Hằng năm cứ vào tháng 7 tới tháng 10 Âm lịch là mùa mà Sake rộ trái trên khắp các nẻo đường quê hương miền Tây. Mùi Sake chín thoảng bay ở trong gió len lỏi vào từng góc nhà, từng chái bếp nhỏ. Ôi biết bao món ngon từ trái sake thân thuộc này.
Sakê là giống cây rất là dễ trồng và trồng nhiều ở cái xứ sông nước này. Hầu như nhà nào cũng có một gốc ở trong sân, trong vườn nhà. Vừa mát cửa mát nhà,lại vừa có lá để mà nấu nước uống thay trà. Còn trái sake thì góp thêm hương, thêm vị cho bữa cơm gia đình.

Quê hương phương Nam tôi không phải là nơi mà cây sa kê đã khai tên, tạo dáng lúc mới xuất hiện trên cuộc đời này. Mà sake tới xứ sông nước từ con đường giao thương văn hóa – kinh tế. Để rồi từ một loài cây lạ ban đầu, Sake tự nhiên trở nên gần gũi, tự nhiên gắn bó và tự nhiên đi vào đời sống chân chất của bà con quê mình một cách thân thương và bình dị nhất.

Cây sake có tán rộng, lá bự và xanh mướt một màu. Giống cây được bà con quê mình gây giống rồi trồng nhiều ở trước sân, ngoài ngõ để che mát. Cũng có thể trồng ở bên mé sông để giữ đất. Nhiều khi nó còn giống như một giống cây cảnh giúp đẹp cửa đẹp nhà.

Nói về sake thì vừa đẹp là vừa có quá chừng công dụng. Cây cao thì cho bóng mát. Lá sa kê khô được bà con mình đem nấu nước uống như một bài thuốc dân gian tốt cho sức khỏe. Còn như trái sa kê thì lại đi vào câu chuyện ẩm thực Đất Phương Nam bằng sự ngon lành bổ dưỡng.

Trái sakê khi mới nhìn qua, người ta dễ lộn với trái mít non. Bởi vì nó cũng có từng cái gai nhỏ nhỏ. Khi trái non thì ra ngọn hơn, rồi tới khi trái già gai sakê nở bự ra, da căng hơn, hơi ngã qua màu xanh pha ánh vàng là bắt đầu chín.
Trái sa kê sẽ được gọt bỏ phần vỏ ngoài. Sau đó chẻ đôi ra, cắt bỏ phần cùi ở giữa. Phần thịt sake được rửa sạch, ngâm vào nước lạnh để sa kê được trắng, chứ không bị thâm đen.

Sẽ tùy thuộc vào nấu món ăn gì thì bà con mình mới quyết định xắt miếng sao cho hợp lý. Nếu như muốn nhúng bột chiên giòn thì sao kê được xắt theo dọc mình trái thành từng miếng dài, hơi mỏng một chút. Còn như mà đem hầm thì xắt khúc hình tam giác, hơi dầy. Để khi hầm chín, miếng sake sẽ không bị mềm rệu rã.

Một món ăn chơi vừa thơm vừa giòn, lại bùi bùi hấp dẫn là Sake chiên giòn. Món này thì đơn giản thôi. Chỉ cần nhúng miếng sa kê đã xắt vừa ăn trong bột hơi lỏng. Sau đó thì nhẹ nhàng thả vô chảo dầu sôi. Canh một hồi thì trở bề sao cho miếng sa kê vàng đều hai mặt. Cuối cùng gắp ra dĩa ráo bớt dầu. Vậy thôi đó mà đã xong xuôi món ăn đợi cơm thật là ngon lành rồi.
Cắn miếng sake chiên chính là sự kết hợp mùi dịu vô cùng độc đáo. Lớp bột áo ở ngoài thì giòn rụm. Còn phần sake ở trong thì mềm dẻo và rất bùi. Đó là cái ngon tự nhiên, giản đơn và bình dị như chính cuộc sống của bà con xứ mình.

Sake mà hầm với đuôi heo thì cũng là một món ngon hết ý. Đuôi heo được làm sạch, chặt khúc vừa ăn. Sau đó đem nấu cho chín mềm mới bỏ sake vô nấu chung. Tới khi chín thì nêm nếm gia vị, thêm chút hành tiêu là dọn chén mời cơm được rồi đó.
Trái sake còn được coi là thứ trái báo hiệu mùa Vu Lan. Bởi Sake chín rộ nhất là vào mùa báo hiếu. Do vậy mà sake cũng góp mặt trong những món ăn chay, cầu bình an như là một lẽ dĩ nhiên.
Tô canh kiểm được nên hình từ rau củ, trái cây với nước cốt dừa quen thuộc. Có thêm mớ sakê đem nấu thì thật ngon với cái bùi, cái dẻo.

Cũng như món kho chay mặn mà. Sakê đem chiên sơ cho vàng đều. Rồi kho liêu riêu với nước tương để thấm vị. Món ăn món ăn thanh đạm, giữ lòng mình thêm thanh tịnh.
[ Video : Những món ngon từ trái Sake ]
Nguồn: ĐSMSN
Từ khóa trong bài viết: trái sake, món ngon sake, cây sake, ẩm thực dân dã. Tags: sake chiên bột, sake hầm đuôi heo, sake chay, sake kho chay, sake canh kiểm. CW by Admin 17 Sep. Liên kết tham khảo: Canh cải trời – Thanh mát vị Quê.