Menu Đóng

Các con đường nổi tiếng tại Cần Thơ

con đường tại cần thơ avatar

Cùng điểm qua các con đường quen thuộc và nổi tiếng tại Cần Thơ. Những con đường huyết mạch và giúp thành phố Cần Thơ phát triển.

ĐƯỜNG NGUYỄN VĂN CỪ NỐI DÀI

Đường Nguyễn Văn Cừ nối dài là một con đường quen thuộc đối với người dân Cần Thơ ở các khu vực xã Mỹ Khánh huyện Phong Điền, phường An Bình, phường An Khánh và khu vực Cồn Khương. Đường 2 chiều và có 2 làn đường mỗi bên.

Con đường Nguyễn Văn Cừ xuất phát từ Cồn Khương và chạy dài về hướng tây nam. Đến thời điểm hiện tại, đường Nguyễn Văn Cừ đã được kéo dài đến Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. Trong thời gian sắp tới, con đường này đang được xây dựng thêm nhằm mở rộng khu vực sinh sống của người dân và góp phần đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa.

Đường Nguyễn Văn Cừ nối dài giao nhau với các con đường khác như: Quốc lộ 91, đường Nguyễn Văn Linh, đường Mậu Thân, đường Võ Văn Kiệt, đường Bông Vang. Ngoài ra, trên đường Nguyễn Văn Cừ còn dẫn đến Bệnh viện nhi đồng Cần Thơ, đại học FPT Cần Thơ, đại học Nam Cần Thơ, đại học y dược Cần Thơ, đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ và các trường chính trị.

ĐƯỜNG 3/2

Đường 3/2 được xem là một trong những con đường huyết mạch tại Cần Thơ. Đoạn đường bắt đầu từ vòng xoay cầu Đầu Sấu và kéo dài đến ngã tư giao nhau giữa đường Mậu Thân và Trần Hưng Đạo.

Con đường này có tổng cộng 6 làn đường, tập trung khá nhiều các công ty, dịch vụ doanh nghiệp. Mỗi ngày có rất nhiều phương tiện giao thông di chuyển trên tuyến đường này và đây là tuyến đường có rất nhiều cư dân sinh sống trên các con hẻm nhỏ. Trường Đại học Cần Thơ (khu 2) cũng nằm trên con đường này và tập trung nhiều nhà trọ giành cho sinh viên.

Đường 3/2 giao nhau với các con đường khác như: đường Phạm Hùng (hướng về Cái Răng), đường Nguyễn Văn Linh, đường Mậu Thân, đường Trần Hưng Đạo, đường Trần Văn Hoài. Trước đây, đường 3/2 từng được xem là một đoạn đường của quốc lộ 1A cho đến khi cầu Cần Thơ khánh thành thì lưu lượng các phương tiện xe lớn đã giảm đáng kể.

ĐƯỜNG 30/4

Đường 30/4 là một đoạn đường song song với 3/2 xuất phát từ vòng xoay Đầu Sấu (gần bệnh viện da liễu Cần Thơ) kéo dài đến ngã ba giao nhau với đường Quang Trung (đoạn đường hướng về siêu thị Big C và Cầu Cần Thơ).

Đây là một đoạn đường nhộn nhịp về đêm vì đây là tuyến đường chính dẫn đến Trung tâm thành phố Cần Thơ. Trên đoạn đường này bao gồm các quán cà phê bình dân, showroom Chevrolet, chợ Xuân Khánh, VinPearl, trường THCS Lương Thế Vinh, Đại học Cần Thơ (khu 1), Cao đẳng Cần Thơ, đài truyền hình Cần Thơ và đài truyền hình Việt Nam tại TP. Cần Thơ.

Đường 30/4 giao nhau với các đường khác như: đường Nguyễn Văn Linh, đường Trần Văn Hoài, đường Mậu Thân, đường Quang Trung và Đại lộ Hòa Bình. Cũng như 3/2, đường 30/4 cũng có 6 làn đường 2 chiều phục vụ số lượng xe đông đảo và các ngã rẻ huyết mạch.

LỘ VÒNG CUNG

Lộ Vòng Cung còn có tên gọi khác gắn liền với lịch sử “Vành đai lửa”. Đây là tuyến đường để lưu thông từ khu vực Cầu Cái Răng và Quốc Lộ 91.

Đây là đoạn đường dẫn khách du lịch đến trải nghiệm “miền tây sông nước” và các đặc sản tại Cần Thơ. Khi đi trên đoạn đường này, khách du lịch sẽ bắt gặp Chợ nổi Cái Răng, một nét văn hóa của người miền Tây. Ngoài ra còn có Khu du lịch Mỹ Khánh, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, mộ Phan Văn Trị, chợ Phong Điền.

Lộ Vòng Cung là một đoạn đường dài, cong đặc trưng. Chỉ có 2 làn đường xe chạy và rất ít ngã rẻ dẫn đến các con đường lớn khác.

VÕ VĂN KIỆT

Đây là tuyến đường lớn dễ đi nhất dẫn đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (VCA). Đường Võ Văn Kiệt khá rộng rãi và thoáng bao gồm 6 làn đường chia đều cho 2 chiều. Kéo dài từ ngã tư giao nhau giữa Nguyễn Văn Cừ nối dài và đường Mậu Thân cho đến kết thúc tại sân bay Cần Thơ.

Ở phần đoạn đường đầu ngã tư giao lộ tập trung khá nhiều các quán cà phê và quán nhậu. Tuyến đường nằm trên phường An Thới và quận Bình Thủy. Tuy đây là đường lớn nhưng có rất ít đường khác nhau giao. Đường Võ Văn Kiệt được xây dựng cách đây không lâu nhưng lại đóng góp ý nghĩa lớn cho sự chấp cánh của nền kinh tế Cần Thơ phát triển.

ĐƯỜNG HAI BÀ TRƯNG

Một con đường gắn liền với Bến Ninh Kiều, sông Cần Thơ và chợ cổ Cần Thơ. Đường Hai Bà Trưng thực sự rất ngắn nhưng khách du lịch trong nước và nước ngoài thường ghé đến nơi đây tham quan rất nhiều.

Đây chỉ là một con đường nhỏ nhưng tầm quan trọng về mặt phát triển dịch vụ du lịch là rất lớn. Trên đường Hai Bà Trưng bao gồm các khách sạn hạng sang, chùa Ông, các quán cà phê từ bình dân đến cao cấp. Đường Hai Bà Trưng thực sự nhộn nhịp vào các dịp lễ hội lớn như Tết Nguyên Đán, Trung Thu hay các chương trình mang ý nghĩa về nhân văn và xã hội.

ĐẠI LỘ HÒA BÌNH

Đại lộ Hòa Binh, một con đường không ai không thể nhắc đến khi sinh sống tại Cần Thơ hay du lịch tại nơi đây. Có vị trí ngay trung tâm thành phố nên Đại lộ Hòa Bình thực sự là một con đường đầy màu sắc để nói lên sự năng động và phát triển của trung tâm Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Khi đến Đại lộ Hòa Bình, bạn sẽ cảm nhận nhịp thở của thành phố. Tuyến đường này bao gồm công viên Lưu Hữu Phước, chùa Phật Học, trường tiểu học Lê Quý Đôn, nhà sách và trung tâm thương mại Sense City. Đại lộ Hòa Bình bao gồm 6 làn đường nhưng không phục vụ hết tất cả các loại xe. Dù là 6 làn đường nhưng nơi này lúc nào cũng đông đúc, kẹt kín ở các giờ cao điểm và buổi tối.

Đại lộ Hòa Bình giao nhau với các con đường khác như: Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Hoài, Mậu Thân, Quang Trung, 30/4, Nguyễn Trãi và các tuyến đường nhỏ lẻ khác. Tại đây không tập trung nhiều các công ty hay xưởng công nghiệp mà chủ yếu là đoạn đường đầy màu sắc, vui chơi sau một ngày làm việc căng thẳng.


Tags: cần thơ, cần thơ năng động và phát triển, các tuyến đường, đại lộ hòa bình, đại học cần thơ, 30/4, 3/2, võ văn kiệt, nguyễn văn linh, nguyễn văn cừ, lộ vòng cư, du lịch cần thơ, cần thơ plus.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *